I. Trước ngày 03/4/2018: Thông báo tình hình biến động lao động hàng tháng (nếu có)
Khoản 2 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định:
Trong trường hợp doanh nghiệp có biến động (tăng/giảm) về số lượng NLĐ làm việc thì trước ngày 03 của tháng liền kề, doanh nghiệp phải gửi Thông báo về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở.
Hiện nay, ở một số địa phương đã bắt đầu sử dụng phần mềm điện tử để khai báo tình hình biến động lao động, do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý xem địa phương mình đã áp dụng chưa để thực hiện cho phù hợp.
II. Trước ngày 30/4/2018:
1. Báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế
Điều 5 Thông tư 37/2010/TT-BTC quy định:
Đối với chứng từ khấu trừ tự in trên máy vi tính, doanh nghiệp đang hoạt động thì thực hiện báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế với cơ quan thuế nơi đăng ký sử dụng chứng từ khấu theo quý chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Lưu ý: Đối với chứng từ khấu trừ được cơ quan thuế cấp thì Doanh nghiệp thực hiện “Báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế” theo quý chậm nhất là ngày 20/4/2018.
2. Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm tính theo quý
Hàng quý, doanh nghiệp thực hiện tạm nộp thuế TNDN của quý đó, chậm nhất là vào ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế; doanh nghiệp chỉ cần nộp số thuế tạm tính chứ không phải nộp tờ khai thuế. (Điều 17 Thông tư 151/2014/TT-BTC)
Số thuế cần phải nộp bao nhiêu là hoàn toàn do doanh nghiệp tự căn cứ vào số thuế TNDN của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm nay để xác định.
3. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN tháng 04/2018
Chậm nhất ngày cuối cùng của tháng, doanh nghiệp sẽ trích tiền đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN trên quỹ tiền lương tháng của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN (Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017).
Đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng các loại bảo hiểm trên của từng NLĐ theo mức quy định để nộp cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, chi nhánh của DN sẽ đóng tại cơ quan BHXH nơi chi nhánh hoạt động.
4. Trích nộp Kinh phí Công đoàn tháng 04/2018
Đây là nghĩa vụ của doanh nghiệp, không phân biệt là DN đã có hay chưa có tổ chức Công đoàn.
Mức đóng kinh phí Công đoàn là 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.
5. Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc
Định kỳ mỗi 03 tháng doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (Điều 65 Bộ Luật Lao động 2012).
Ngoài đối thoại định kỳ, trường hợp một bên có yêu cầu tổ chức đối thoại thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại thì:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tổ chức cuộc đối thoại tương tự như việc tổ chức đối thoại định kỳ.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề đối thoại với người lao động thì luật lao động cũng quy định doanh nghiệp có sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải tổ chức Hội nghị người lao động định kỳ 12 tháng một lần.
Hi vọng các Doanh nghiệp thực hiện tốt quy định nêu trên để đảm bảo đúng quyền lợi cho người lao động đang làm việc và sinh hoạt tại đây.
Trân trọng!